Tin tức - Blog

Nhật Bản đóng tàu ngầm chạy bằng pin lithium-ion

Nhật Bản đóng tàu ngầm chạy bằng pin lithium-ion

27/02/2019

 Đang là nước sở hữu tàu ngầm điện - diesel lớp Soryu tiên tiến nhất dùng động cơ không phụ thuộc không khí (AIP), nay Nhật Bản quyết định thay thế loại động cơ này bằng pin lithium-ion.

 

 

Một tàu ngầm Soryu của Hải quân Nhật Bản, chiếc Hakuryu tại Guam năm 2013. Lớp tàu này có dùng động cơ diesel và động cơ AIP, sẽ được thay bằng động cơ diesel và pin Lithium-ion trong 4 chiếc Soryu sắp đóng.

Lớp tàu ngầm Soryu chạy bằng động cơ điện - diesel kết hợp động cơ Kockums Stirling không phụ thuộc không khí giúp tàu ngầm có thể ở lâu dưới lòng biển hơn so với tàu ngầm điện - diesel thông thường. Chính vì tính ưu việt này mà Úc mới đây đề nghị Nhật Bản chuyển giao công nghệ tàu ngầm này để thay thế lớp tàu ngầm Collins đã cũ.

Tuy nhiên mới đây chính phủ Nhật Bản quyết định không đầu tư cho loại tàu ngầm xài động cơ AIP, mà trang bị nguồn pin lithium-ion cho tàu ngầm. Loại pin này được dùng nhiều trên máy bay Boeing 787 Dreamliner và từng gây cháy nổ vừa qua, nhưng các nhà quân sự Nhật Bản bảo đảm chúng sẽ an toàn.

Lý do cơ bản khiến Nhật không còn chuộng động cơ AIP (hiện do hãng Kawasaki cung cấp dựa theo giấy phép nhượng quyền của Kockums Stirling Thụy Điển) là loại động cơ này khiến tàu ngầm di chuyển rất chậm dưới lòng biển, không thích hợp cho việc tấn công và thi hành các sứ mạng đặc biệt.

Tàu ngầm trang bị nguồn pin Lithium-ion sẽ giúp tàu hoạt động lâu dưới lòng biển, chạy nhanh hơn, thời gian bảo dưỡng cũng ít hơn. Và công nghệ này có thể tìm được thị trường xuất khẩu.

Nhật Bản có kế hoạch đóng 10 tàu ngầm lớp Soryu, hiện đã có được 6 chiếc. Như vậy 4 chiếc còn lại sẽ không trang bị động cơ AIP mà thay bằng các pin lithium.

Hiện nay, tàu ngầm Soryu của Nhật sử dụng đến 3 nguồn cung cấp năng lượng cho động cơ điện dùng quay chân vịt tàu ngầm. Đó là động cơ diesel, động cơ AIP và nguồn ăc quy chì.

Động cơ disel cần ô-xy để hòa với nhiên liệu mà nén nổ, sử dụng khi tàu nổi lên mặt nước hoặc dùng ống thông hơi lấy không khí trên mặt biển (tàu lúc đó chỉ lặn vào mét đến vài chục mét dưới nước). Động cơ disel dùng để sạc điện cho giàn ăc quy tàu ngầm (vì tàu ngầm chạy bằng điện).

Động cơ AIP không cần đến không khí như động cơ diesel, thực chất là động cơ này đốt một lượng nhỏ dầu diesel với ôxy lỏng, được dùng khi tàu ngầm đang lặn sâu dưới nước để nạp điện cho ăc quy. Còn ăc quy được dùng khi tàu ngầm thực hiện sứ mạng bí mật cũng như để di chuyển với tốc độ nhanh dưới lòng biển, và do vậy mà mau cạn kiệt ăc quy.

Dùng động cơ AIP, tàu ngầm sạc không được nhiều điện cho ăc quy, tuy có thể ở lì dưới lòng biển tối đa 2 tuần nhưng tốc độ di chuyển rất chậm: chỉ 5 knot/giờ (9 km/giờ), và chi phí bảo trì bảo dưỡng rất tốn kém.

Nay Nhật quyết định gỡ bỏ động cơ AIP trên 4 tàu ngầm Soryu sắp đóng, thay luôn ăc quy chì hiện tại vừa cồng kềnh vừa không có hiệu suất cao, dành chỗ cho các bộ pin Lithium-ion gọn nhẹ mà hiệu suất rất cao, giúp tàu ngầm ở lâu hơn dưới lòng biển lẫn đủ năng lượng cho tàu chạy cực nhanh.

Đó là chưa kể chi phí bảo trì bảo dưỡng pin Lithium-ion cũng rẻ hơn. Dĩ nhiên là động cơ disel vẫn có mặt để sạc điện cho pin Lithium-ion.

Một chiếc tàu ngầm Soryu có lượng giãn nước 2.900 tấn (lớn hơn 1/3 so tàu ngầm của châu Âu dùng động cơ AIP), chi phí đóng mới ước 590 triệu USD. Chiếc đầu tiên dùng pin Lithium - ion sẽ khởi đóng vào tháng 8.2015, và 3 chiếc còn lại cũng vậy.

Hãng chế tạo pin - ăc quy nổi tiếng GS Yuasa của Nhật sẽ đảm trách việc cung cấp pin Li-ion cho tàu ngầm Soryu mới. Hãng này cũng cung cấp pin Li-ion cho máy bay Boeing 787.

Trước thông tin về tàu ngầm Soryu mới sẽ dùng pin Li-ion, một số ý kiến tại Úc đề nghị không nên mua công nghệ tàu ngầm dùng động cơ AIP mà nên đi thẳng công nghệ dùng pin Li-ion.

Động cơ AIP dùng cho tàu ngầm điện - diesel được đưa ra những năm 1990, khi pin Li-ion chưa hoàn thiện, theo ông Alessio Patalano, chuyên gia Hải quân Nhật Bản thuộc Khoa nghiên cứu chiến tranh, đại học Kings (London). Nay với việc trang bị pin Li-ion, các tàu ngầm Nhật Bản sẽ mang lại lợi thế lớn về tốc độ và tình trạng ở lâu hơn dưới lòng biển so với các tàu ngầm điện - disel thông thường khác của hải quân các nước.

Theo trang tinnong.vn

 

Bình luận (0)

Viết bình luận :